na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Chính sách pháp luật liên quan đến tích tụ và tập trung ruộng đất trong nông nghiệp của Việt Nam
01/07/2021 03:11:28

ThS. Nguyễn Văn Tứ

Phó trưởng phòng TC,HC,TT,TL

Đặt vấn đề: Trong 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới của Việt Nam (12/1986), nhờ những cải cách trong quan hệ đất đai, nền nông nghiệp có bước phát triển quan trọng. Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đã bước đầu khơi thông nguồn lực đất đai, “cởi trói” cho nông nghiệp phát triển. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung xuất hiện, đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây; bước đầu hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao...Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn vẫn đang đối mặt với nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn về việc tích tụ, tập trung đất đai.

Trên thế giới, việc tích tụ, tập trung ruộng đất được tiến hành từ lâu, tạo điều kiện cho việc hình thành những nông trại, trang trại, đồn điền...để phát triển sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.Tích tụ, tập trung ruộng đất tạo điều kiện hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

1.Tác động của việc tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp

Khái niệm cơ bản

Tích tụ, tập trung đất đai: Tích tụ đất đai nghĩa là sự tích lũy về đất đai, trong khi tập trung đất đai nghĩa là sự điều chỉnh và sắp xếp lại các thửa đất (liên quan đến sở hữu và sử dụng đất), thường được áp dụng để hình thành những vùng đất rộng lớn và hợp lý hơn. Tập trung đất đai có thể được sử dụng để cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và thực hiện các chính sách phát triển và môi trường (cải thiện tính bền vững của môi trường và nông nghiệp).

Tích tụ, tập trung ruộng đất: Tích tụ ruộng đất là sự tăng quy mô ruộng đất của đơn vị sản xuất (hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp...) theo thời gian do khai hoang, thừa kế, mua thuê, nhận cầm cố nhằm tạo ra quy mô ruộng đất lớn hơn để tiến hành sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, tập trung ruộng đất là việc tập hợp nhiều mảnh đất thành những mảnh đất, khu đất, cánh đồng có quy mô lớn, liền vùng, liền thửa, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ, bằng con đường thuê mướn hoặc liên kết sản xuất kinh doanh, góp vốn (quyền sử dụng đất) vào doanh nghiệp. Tập trung ruộng đất không làm cho tổng diện tích đất canh tác của xã hội tăng lên.

Tại Việt Nam, khái niệm “dồn điền, đổi thửa” được hiểu là quá trình sắp xếp lại các mảnh đất/ruộng nhằm khắc phục tình trạng manh mún và phân tán đất đai trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả của “dồn điền, đổi thửa” là giảm số mảnh, tăng quy mô của mảnh ruộng, nhưng quy mô diện tích và lao động của hộ thường ít thay đổi.

Một số hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất phổ biến là: “dồn điền, đổi thửa”; nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp; hợp tác, liên kết sản xuất xây dựng cánh đồng lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao.

Tác động của việc tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp

Những tác động tích cực của tích tụ, tập trung ruộng đất đối với nông nghiệp và nông thôn:

         -Tích tụ, tập trung ruộng đất tạo điều kiện hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy được “lợi thế về quy mô” do khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, nên mở rộng được diện tích canh tác, tránh được lãng phí đất; do có khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là cơ giới hóa...Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

         -Trên phạm vi toàn xã hội, tích tụ, tập trung ruộng đất góp phần làm giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, như giao thông, thủy lợi...

         -Tích tụ, tập trung ruộng đất góp phần tích cực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phân công lại lao động trong nông nghiệp và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung đồng thời góp phần cải thiện chất lượng và giảm tình trạng suy thoái đất đai do chế độ canh tác hợp lý cũng như do thâm canh, cải tạo đất.

         -Tác động đến năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bởi việc tích tụ, tập trung ruộng đất làm tăng sản lượng, giảm chi phí; tăng lợi nhuận và những lợi ích vật chất khác cho người sản xuất.

         Những tác động tiêu cực của tích tụ, tập trung ruộng đất:

         Bên cạnh các tác động tích cực, việc tích tụ, tập trung ruộng đất nếu không được quản lý phù hợp cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với nông nghiệp, nông thôn.

         -Tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong các yếu tố dẫn đến sự phân hóa giầu nghèo ở nông thôn, do ruộng đất không được phân chia đều mà tập trung vào một số người nhất định, nhờ đó họ có nhiều đất sản xuất, gia tăng cơ hội làm giầu trong khi nhiều người chỉ còn ít đất sản xuất, hoặc mất đất sản xuất nên không có điều kiện phát triển sản xuất, thu nhập bấp bênh..

         -Việc tích tụ, tập trung ruộng đất làm mất sinh kế của một bộ phận người dân, do họ còn ít đất sản xuất, hoặc hết đất sản xuất vì đã nhượng quyền, bán, cầm cố...và trở thành người làm thuê trên chính mảnh ruộng của mình...

         Rõ ràng, những tác động tiêu cực của quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất có thể trở thành vấn đề chính trị - xã hội, nếu không được giải quyết kịp thời, ổn thỏa. Vì vậy, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa công bằng và hiệu quả, giữa tác động tích cực và tiêu cực trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia.

         2.Chính sách, pháp luật liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp của Việt Nam

         Chính sách đất đai

         - Nghị quyết  Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (ngày 29/6/1992) xác định: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế quyền sử dụng ruộng đất phải được pháp luật quy định cụ thể theo hướng khuyến khích nông dân an tâm đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện từng bước tích tụ ruộng đất trong giới hạn hợp lý để phát triển hàng hóa, đi đôi với mở rộng phân công lao động và phân bố lao động gắn với quá trình công nghiệp hóa”.

         - Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị khóa VIII, ngày 10/11/1998, về một số vấn đề nông nghiệp và nông thôn xác định: “Về tích tụ ruộng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng, tích tụ và tập trung ruộng đất là hiện tượng sẽ diễn ra trong quá trình phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn...Việc tích tụ và tập trung ruộng đất phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ của Nhà nước không để quá trình này diễn ra tự phát làm cho người nông dân mất ruộng mà không tìm được việc làm, trở thành bần cùng hóa”.

         - Nghị quyết số 26 – NQ/TW7 (khóa X), ngày 25/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định: Tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả; giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai; công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, những vấn đề về vốn, đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hạn mức giao đất nông nghiệp... cũng được đưa ra với mục tiêu là phát triển bền vững, toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

         - Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lầ thứ XII của Đảng liên quan đến chủ trương phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao...; có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruông đất thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ công nghệ cao. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn – đô thị, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Phát huy vai trò chủ thể của hộ nông dân và kinh tế hộ; xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp trong nông, lâm, ngư nghiệp nhà nước; phát triển hợp tác xã kiểu mới và các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ”.

         Pháp luật về đất đai

         Luật Đất đai năm 2013 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

         - Nội dung quy hoạch sử dụng đất cho phép khoanh vùng được các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn để tạo điều kiện cho việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.

         - Luật đất đai nâng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên 50 năm; quy định hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó vùng Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long không quá 3 ha, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác không quá 2 ha.

         - Nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc thuê đất của người có đất đang sử dụng. Chính sách này tạo điều kiện thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhưng còn bất cập giữa các đối tượng nước ngoài với đối tượng trong nước.

         - Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp phải xin phép cơ quan nhà nước gồm: Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

         -Trường hợp chuyển đất cây trồng hàng năm sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép thì chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải xin phép nhưng phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Các trường hợp còn lại thì không phải xin phép, đăng ký với cơ quan nhà nước.

         - Đối với các loại đất cần bảo vệ nghiêm ngặt như đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, Luật Đất đai quy định cụ thể chế độ phải xin phép Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi chuyển mục đích các loại đất này.

         - Tùy theo hình thức sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất mà người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lịa, thừa kế, tặng cho, góp vốn và thế chấp quyền sử dụng đất.

         3. Kết luận: Luật đất đai 2013 quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 10 lần hạn mức giao đất. Tùy theo loại đất và từng vùng kinh tế - xã hội mà hạn mức sử dụng đất thông qua nhận chuyển quyền sử dụng đất của mỗi hộ gia đình, cá nhân từ 20ha cho đến 300ha. Qua đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 của Đảng đã xác định đó là phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, trong đó nêu “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”.

 

Tài liệu tham khảo

1, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI;

2, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020;

3, Luật đất đai 2013;

4, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị khóa VIII, ngày 10/11/1998;

5, Nghị quyết số 26 – NQ/TW7 (khóa X), ngày 25/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;