Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể bao gồm: phong cách tư duy; phong cách làm việc, phong cách diễn đạt; phong cách ứng xử; phong cách sinh hoạt. Trong đó, phong cách làm việc (PCLV) Hồ Chí Minh là một yếu tố đặc sắc tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh - mẫu mực của một lãnh tụ chính trị và nhà khoa học chân chính, thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cao cả và triết lý hành động vì con người của một nhà văn hoá lớn. PCLV Hồ Chí Minh không chỉ là chuẩn mực cho việc rèn luyện phong cách của cán bộ, đảng viên mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong mọi giai đoạn, đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, học tập và làm theo những đặc trưng trong PCLV của Người để có thể hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân.
Một là, sự thống nhất giữa tính nguyên tắc với tính sáng tạo
Tính đảng, tính nguyên tắc thể hiện ở việc Hồ Chí Minh luôn luôn giữ vững lập trường, quan điểm, đường lối của Đảng; tôn trọng pháp luật, chấp hành nghiêm túc, tự giác các nguyên tắc, chế độ kỷ luật, công tác, nghiêm khắc với bản thân, bảo vệ chân lý, sự thật, phê phán đấu tranh cái sai. PCLV ấy được xuất phát từ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặt lợi ích của Đảng, cách mạng và Tổ quốc lên trên hết; quán triệt mục đích phục vụ nhân dân, kiên định phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tính nguyên tắc trong PCLV Hồ Chí Minh hoàn toàn xa rời sự bảo thủ, trì trệ, giáo điều, cứng nhắc mà trái lại, luôn đòi hỏi tính năng động, sáng tạo và đổi mới.
Tính sáng tạo trong PCLV của Hồ Chí Minh biểu hiện ở tính chủ động, sáng tạo trong việc cụ thể hoá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng cho phù hợp với địa phương, đơn vị, đồng thời có đổi mới nội dung, phương pháp công tác theo hướng hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả công tác, nhạy bén với cái mới. Trong thực tiễn cách mạng, có nhiều sự biến đổi nhanh chóng, người cách mạng phải luôn vạn biến, sáng suốt, nhạy bén để linh hoạt biến đổi sách lược, có hình thức, biện pháp đấu tranh thích hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.
Bằng PCLV linh hoạt, sáng tạo và đổi mới, Hồ Chí Minh đã chứng minh chân lý: Làm cách mạng không chỉ cần “đúng” mà còn phải “khéo”; không chỉ là lập trường, quan điểm mà còn là nghệ thuật, mưu lược. Người đã kết hợp một cách hoàn hảo mối quan hệ giữa hai vấn đề tưởng chừng đối lập: Tính kiên định về nguyên tắc, lý tưởng, niềm tin và tính linh hoạt, năng động, uyển chuyển, đổi mới trong nhận thức và hành động. Vì vậy, sự thống nhất hài hoà giữa tính nguyên tắc với tính linh hoạt, sự sáng tạo và đổi mới chính là đặc trưng quan trọng trong PCLV của Hồ Chí Minh.
Hai là, sự thống nhất giữa nhiệt tình cách mạng với tri thức khoa học
Phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất hài hòa với tư cách của nhà cách mạng và nhà khoa học. Hồ Chí Minh là tấm gương của người cách mạng làm việc tận tâm, tận lực, nhiệt tình cách mạng vì nước, vì dân. Sự thống nhất giữa nhiệt tình cách mạng với tri thức khoa học trong PCLV Hồ Chí Minh khiến Người luôn tìm tòi sáng tạo, đề xuất ý kiến hay, những cách làm tốt, không nề hà gian khổ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiệt tình cách mạng là một yếu tố quan trọng trong phẩm chất của người cán bộ để họ say mê, tận tuỵ, hết lòng với công việc, tìm tòi những phương án tốt nhất nhằm thực hiện công việc. Nếu không có lòng nhiệt tình cách mạng, người cán bộ sẽ hình thành tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, không hăng hái, trì trệ trong công tác.
Mặt khác, nhiệt tình cách mạng chỉ thực sự đạt hiệu quả cao nhất khi có sự kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học. Bởi Hồ Chí Minh nhận thức rằng, nếu chỉ có nhiệt tình cách mạng mà thiếu tính khoa học, sự am hiểu công việc, tinh thông nghiệp vụ theo cương vị được phụ trách sẽ dẫn tới làm sai đường lối, chính sách, thậm chí có thể dẫn đến sự tổn thất cho cách mạng.
Ba là, Sự thống nhất giữa tinh thần dân chủ, tập thể với tính quyết đoán
Sự thống nhất hài hoà giữa PCLV dân chủ với tính quyết đoán của Hồ Chí Minh cũng chính là việc thực hành nguyên tắc tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách trong Đảng.
PCLV dân chủ Hồ Chí Minh thể hiện ở việc luôn tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, tin tưởng, quý trọng nhân dân vì chế độ ta “dân là chủ”, thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Cách làm việc dân chủ tập thể của Hồ Chí Minh còn kết hợp nhuần nhuyễn với tính quyết đoán, nâng cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể; đưa ra những quyết định đúng đắn trong những thời khắc quyết định, tranh thủ tối đa cơ hội, sự thuận lợi trong từng giai đoạn của cách mạng. Hồ Chí Minh đã dạy: “Làm việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm” [83, tr.281]. Cán bộ nếu không quyết đoán, không nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân sẽ làm giảm sút năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cán bộ, cơ hội trôi qua, công việc cũng không thể thành công và không hoàn thành trách nhiệm.
Như vậy, PCLV Hồ Chí Minh có những đặc trưng chủ yếu là: Sự thống nhất giữa tính nguyên tắc với tính sáng tạo, nhiệt tình cách mạng với tri thức khoa học, tinh thần dân chủ tập thể với tính quyết đoán, sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Mỗi đặc trưng trên đều phản ánh một khía cạnh riêng trong việc thực hiện và giải quyết công việc của Người, đồng thời gắn bó chặt chẽ với nhau. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong mọi giai đoạn, đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, học tập và làm theo những đặc trưng trong PCLV của Người để có thể hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân.
Vũ Thị Xuân, Khoa Lý luận cơ sở