na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THANH TRA GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG HIỆN NAY
21/08/2023 02:45:17

Th.S Phạm Thị Phương Thanh

Khoa Lý luận cơ sở

Hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Do đó, Ban Giám hiệu Trường chính trị tỉnh Hải Dương thường xuyên chú trọng, quan tâm tới công tác thanh tra. Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường luôn được quan tâm kiện toàn, củng cố; bảo đảm hoạt động có nền nếp, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên.

Hiện nay, Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng có 6 thành viên, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu sự quản lý trực tiếp của Hiệu trưởng; trực tiếp tham mưu cho Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm của nhà trường, kế hoạch của các đoàn thanh tra; thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng; thanh tra việc thực hiện chương trình, giáo trình, quy chế, quy định quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chinh trị quốc gia Hồ Chính Minh; quy định, nội quy, quy chế của nhà trường về công tác đào tạo, bồi dưỡng trong phạm vi hoạt động của Nhà trường. Hàng năm, Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng đã tham mưu cho Hiệu trưởng ban hành Kế hoạch hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng; thành lập các đoàn thanh tra, tổ thanh tra với các hình thức thanh tra định kỳ, đột xuất, thanh tra theo chuyên đề. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ứng xử văn hóa của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên trong nhà trường.

Với hình thức hoạt động kiêm nhiệm nên việc thực hiện công tác thanh tra thường được lồng ghép trong hoạt động chuyên môn của các thành viên Tổ thanh tra như: Tham gia Hội đồng tuyển sinh, Hội đồng xét tốt nghiệp các lớp Trung cấp lý luận chính trị; giám sát thi tốt nghiệp lớp Trung cấp lý luận chính trị; kiểm tra, đối chiếu văn bằng, chứng chỉ khi nhập học của học viên các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, giám sát chấm điểm tiểu luận các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; khóa luận tốt nghiệp lớp Trung cấp lý luận chính trị; kiểm tra điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp các lớp Trung cấp lý luận chính trị, cấp chứng chỉ các lớp bồi dưỡng....

Có thể khẳng định qua công tác thanh tra, cán bộ, giảng viên, chuyên viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Hải Dương đã chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nhà trường về công tác đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời phát hiện và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần tích cực tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, kế hoạch các đoàn thanh tra vẫn còn mang tính dàn trải. Hình thức thanh tra chủ yếu kết hợp, lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn của các thành viên của Tổ thanh tra nên chưa rõ nét; số đợt thanh tra trong năm còn ít, có một số việc giải quyết những vấn đền liên quan đến công tác đạo tạo, bồi dưỡng xảy ra trong thời gian qua chưa có sự tham gia trực tiếp của thanh tra đào tạo, bồi dưỡng nhà trường.

Để hoạt động công tác thanh tra có hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các khoa, phòng, cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường và học viên các lớp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Căn cứ Quy chế quản lý đào tạo của Học viện, đặc điểm, tình hình của nhà trường, kịp thời hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, nội quy trên các mặt hoạt động trong nhà trường, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện và hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá.

Thứ hai, Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng cần tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của mình; kịp thời tham mưu, đề xuất cho Hiệu trưởng trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm bảo đảm chất lượng, hiệu quả; duy trì thường xuyên hoạt động thanh tra định kỳ, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra việc thực hiện chương trình, giáo trình, công tác tuyển sinh, ra đề thi, chấm thi, công tác chủ nhiệm các lớp, đặc biệt là loại hình lớp trung cấp lý luận chính trị không tập trung.

Thứ ba, các cuộc thanh tra cần thực hiện đúng kế hoạch, tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo Quy chế về hoạt động thanh tra đào tạo, bồi dưỡng; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, dân chủ, kip thời. Hoạt động thanh tra không làm cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc tổ chức cá nhân có liên quan. Kết quả hoạt động thanh tra cần được công bố công khai đến toàn thể cán bô, giảng viên, nhân viên và học viên trong nhà trường.

Thứ tư, công tác kiểm tra cần được chú trọng cả về hình thức và nội dung, có báo cáo bằng văn bản cụ thể trong các Hội đồng chuyên môn quan trọng của nhà trường như: Hội đồng tuyển sinh; Hội đồng xét điều kiện thi hết môn, điều kiện thi tốt nghiệp, làm khóa luận… để lồng ghép công tác thanh tra trong các hoạt động chung của nhà trường.

Thứ năm, chú trọng phối hợp chặt chẽ hoạt động của Tổ thanh tra đào tạo, bồi dưỡng với hoạt động Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Ban Thanh tra nhân dân trong quá trình giải quyết các vấn đề có liên quan trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

Thứ sáu, tạo điều kiện cho thành viên Tổ thanh tra tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác thanh tra do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức; giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm với thanh tra các trường chính trị trong Cụm thi đua; bảo đảm thời gian, phương tiện đi lại, chế độ thù lao hoạt động, văn phòng phẩm cho thành viên Tổ thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra./.