Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2024 gồm 9 chương, 152 điều có hiệu lực ngày 01/01/2024. Luật này thay thế Luật số 62/2014/QH13 (gọi là Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014). Trong đó, Luật sửa đổi bổ sung 101 điều luật. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong tòa án nhân dân; về đảm bảo hoạt động của tòa án nhân dân. Đặc biệt, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn cho Tòa án nhân dân phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay.
1. Vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân
Tại điều 3 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung quy định về nội hàm của quyền tư pháp mà tòa án nhân dân thực hiện đó là: “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Như vậy, tại điều luật trên không những đã cụ thể hóa khoản 1 điều 102 Hiếp pháp 2013 “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” mà đồng thời đã thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”.
2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân
2.1. Bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với Tòa án nhân dân
Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án như sau:
Tại điểm b điều 3 bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân: “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật”
Điều 27 quy định giải quyết, xét xử vi phạm hành chính:
“1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.
2.Áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật”
Đối chiếu với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tòa án được giao thẩm quyền giải quyết 04 loại việc vi phạm hành chính đó là: hành vi vi phạm hành chính trong tố tụng dân sự, hành vi vi phạm hành chính trong tố tụng hình sự, hành vi vi phạm hành chính trong tố tụng hành chính và vi phạm hành chính trong thủ tục phá sản. Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu “mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính” đòi hỏi phải bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn xét xử các vi phạm hành chính cho Tòa án. Tuy nhiên, số lượng vi phạm hành chính của cả nước tương đối lớn nên Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về giải quyết, xét xử vi phạm hành chính trong điều 27 như trên là hoàn toàn hợp lý.
Về thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc tại điểm đ khoản 2 Điều 3, Điều 31 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã quy định tòa án có thẩm quyền: “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”. Theo đó, “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc là việc Tòa án làm rõ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc và trong bản án, quyết định việc áp dụng quy định của pháp luật trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo thẩm quyền”.
Như vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 đã bổ sung thêm 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với tòa án nhân dân, điều này đáp ứng theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền tư pháp nước nhà đúng theo tinh thâm Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra.
2.2. Không quy định nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Theo đó, nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Bởi vì, việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, cơ quan công tố. Tòa án là cơ quan xét xử nên việc bỏ quy định này hoàn toàn hợp lý để đảm bảo sự khách quan, vô tư trong quá trình xét xử của tòa án.
2.3. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền
Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án 2024 đã điều chỉnh như sau:
“1. Trong vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Tòa án.
4. Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
5. Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp.
6. Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
7. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.”
2.4. Bổ sung quy định nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm
Tại khoản 1 điều 23 quy định: “Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án, vụ việc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh tụng và căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định các vấn đề của vụ án, vụ việc”.
Tại Khoản 1 điều 24 quy định “Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị; các tình tiết của vụ án, vụ việc; căn cứ áp dụng pháp luật và việc xét xử, giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; giữ nguyên, hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót và thực hiện thẩm quyền khác theo quy định của luật.”
Tại Khoản 1 Điều 25 quy định: “Tái thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do có tình tiết mới theo quy định của luật”.
2.5. Bổ sung các quy định làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã quy định cụ thể, làm rõ nội dung các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án gồm: xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc (Điều 26); giải quyết, xét xử vi phạm hành chính (Điều 27); Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 28); Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử (Điều 30); Giải thích áp dụng pháp luật trong xét sử, giải quyết vụ án (Điều 31); Lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Điều 32); Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án (Điều 33); Giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 34); Xây dựng pháp luật (Điều 35); Nghiên cứu khoa học (Điều 36); Đào tạo, bồi dưỡng (Điều 37); Hợp tác quốc tế (Điều 38).
Như vậy, Luật Tổ chức Tòa án năm 2024 có hiệu lực ngày 01/01/2024 đã điều chỉnh, bổ sung và giải thích rõ hơn địa vị pháp lý, những nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân. Là cơ quan tư pháp, thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
ThS Phạm Thị Quyên, Khoa Nhà nước và pháp luật