na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Nghiên cứu trao đổi
TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM GIẢNG CHUYÊN ĐỀ KỸ NĂNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG Ở CƠ SỞ
12/05/2025 02:29:31

Môn học Kỹ năng lãnh đạo, quản lý gồm có 11 chuyên đề. Trong đó “Kỹ năng tuyên truyền, vận động ở cơ sở” là chuyên đề thứ 9. Chuyên đề Kỹ năng tuyên truyền vận động ở cơ sở có thời gian thực giảng trên lớp là 8 tiết, dành cho đối tượng học viên gồm: Cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở; Cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng, phó phòng, ban cấp huyện và tương đương; Trưởng, phó phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương.

Trong quá trình soạn giảng chuyên đề, giảng viên cần làm rõ những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất: Giảng viên cần xác định được mục tiêu của bài giảng: về kiến thức, về kỹ năng và về tư tưởng. Có thể nói, xác định mục tiêu là một trong những bước khởi đầu quan trọng để giảng viên lựa chọn và sắp xếp kiến thức hợp lý trong quá trình soạn giảng.

Thứ hai: Giảng viên cần xác định nội dung trọng tâm của bài và nội dung trọng tâm của mỗi phần giảng để bố trí sắp xếp thời gian một cách hợp lý tránh tình trạng lan man đi không đúng trọng tâm. Cụ thể chuyên đề Kỹ năng tuyên truyền vận động ở cơ sở bao gồm hai phần nội dung chính: 1. Một số vấn đề chung về kỹ năng tuyên truyền, vận động ở cơ sở; 2. Một số kỹ năng áp dụng trong tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Với mục tiêu đặt ra như ban đầu thì nội dung trọng tâm của chuyên đề sẽ là phần 2. Bên cạnh đó trong mỗi phần nội dung chi tiết đều có những điểm nhấn mà giảng viên cần lưu ý để làm rõ hơn vấn đề cần truyền đạt. Ví dụ trong phần nội dung thứ nhất những vấn đề chung về Kỹ năng tuyên truyền vận động, ngoài việc làm rõ các khái niệm công cụ giảng viên cần đi sâu làm rõ mối quan hệ giữa tuyên truyền và vận động, đặc biệt là vai trò của tuyên truyền và vận động đối với hoạt động lãnh đạo quản lý ở cơ sở. Đây chính là phần nội dung cơ bản đầu tiên cần làm rõ để học viên có cái nhìn khái quát và nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác tuyên truyền vận động ở cơ sở. Từ nhận thức đúng sẽ thay đổi hành vi của mỗi cá nhân trong quá trình rèn luyện công tác của mình.

Thứ ba: Trên cơ sở xác định nội dung và nội dung trọng tâm của bài, để tiết giảng được phong phú và thu hút sự tham gia của học viên giảng viên cần lựa chọn, áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực để truyền tải những nội dung mình mong muốn

Cụ thể giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như sau: hỏi - đáp, phỏng vấn nhanh, sàng lọc và thảo luận nhóm. Việc lựa chọn và sử dụng các phương pháp cần rõ ràng, thể hiện các bước khi áp dụng phương pháp và nêu bật được nội dung mà giảng viên muốn truyền tải. Thường các phương pháp sẽ được sử dụng linh hoạt trong một tiết học lên đến tối đa 3 phương pháp. Với nội dung diễn giải các khái niệm công cụ giảng viên có thể sử dụng phương pháp hỏi - đáp hoặc phỏng vấn nhanh để khơi gợi vấn đề mình muốn trao đổi như: Đồng chí hiểu tuyên truyền là gì, Kỹ năng là sự tổng hợp của các yếu tố nào? Ngoài ra giảng viên có thể lựa chọn phương pháp sàng lọc, lấy ý kiến ghi lên bảng để học viên lựa chọn các đáp án đúng trong các phần nội dung thể hiện trình tự các bước tuyên truyền, vận động. Cuối mỗi phần nội dung chính giảng viên có thể lựa chọn phương pháp thảo luận nhóm nhằm huy động sự tham gia của đông đảo các thành viên trong lớp để khái quát lại các nội dung trước đó và cũng dành một phần thời gian để thảo luận các tình huống thực tiễn xảy ra.

Trên cơ sở khung bài giảng được xây dựng như trên, trong quá trình giảng dạy trực tiếp lớp TCLLCT bản thân tôi nhận thấy một số khó khan cơ bản như sau:

- Nội dung chuyên đề đi sâu nghiên cứu về kỹ năng tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Nhưng đối tượng đi học tại các lớp TCLLCT hiện nay rất đa dạng bao gồm cả những đồng chí công tác tại các doanh nghiệp nhà nước, các sở ban ngành của huyện, tỉnh nên một số học viên có tâm lý cho rằng chuyên đề chỉ phù hợp giảng tại các lớp xã, phường, thị trấn dẫn đến sự quan tâm của học viên với chuyên đề thường qua loa không hứng thú, việc nghiên cứu tìm đọc các tài liệu có liên quan để phục vụ quá trình trao đổi trên lớp cũng rất hời hợt.

- Nội dung chuyên đề có một vài phần khá trừu tượng như việc dẫn giải một số khái niệm công cụ, làm rõ mối quan hệ giữa tuyên truyền và vận động, vai trò của tuyên truyền vận động. Đặc biệt phần nội dung liên quan đến kỹ năng vận động vẫn còn rất chung chung.

- Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực vào chuyên đề chưa thu hút được sự tham gia từ phía học viên. Một phần do giảng viên chưa biết cách lựa chọn phương pháp thích hợp với nội dung. Mặt khác do kiến thức thực tiễn của giảng viên liên quan đến kỹ năng này còn hạn chế, giảng viên chưa có cơ hội đi thực địa nhập vai những cán bộ, công chức tại cơ sở nên việc triển khai các nội dung của chuyên đề cũng chưa được thu hút.

* Một số kiến nghị đề xuất:

- Tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên môn trong khoa dưới nhiều hình thức như nghe dự giờ trên lớp hoặc trao đổi nội dung với các giảng viên trong khoa để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong quá trình soạn giảng.

- Khoa thống nhất xây dựng, bổ sung một số câu hỏi thi hết môn hoặc thi tốt nghiệp về nội dung chuyên đề để giảng viên có thể trao đổi củng cố kiến thức sau mỗi chuyên đề sát với thực tế tại cơ sở

- Sau mỗi giờ giảng, giảng viên cần nghiêm túc đánh giá những ưu điểm, nhược điểm phù hợp với đặc thù đối tượng lớp học để nâng cao chất lượng chuyên đề./.

 ThS. Bùi Phương Trà, giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật