na
MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG XUÂN ẤT TỴ! 
Nghiên cứu trao đổi
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN VỀ GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HẢI DƯƠNG HIỆN NAY
25/03/2025 04:42:35

Theo quan điểm mác xít, giáo dục là một trong những chính sách xã hội cần phải được ưu tiên của mỗi quốc gia; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đặc biệt những tư tưởng của Lênin về một nền giáo dục mới, tiến bộ, cách mạng có ý nghĩa to lớn trong hoạt động giáo dục nói chung và đối với các trường chính trị tỉnh hiện nay.

Người có công lớn trong việc đặt nền móng cho một nền giáo dục kiểu mới, thực sự tiến bộ, cách mạng và khoa học là Vlađimia Ilich Lênin (1870 - 1924). Với một kho tàng lý luận đồ sộ để lại cho nhân loại trong 55 tập sách kinh điển, hầu hết những tác phẩm của Lênin đều có ý nghĩa lí luận giáo dục. Những tư tưởng, quan điểm của Lênin là kim chỉ nam trong hành động của Đảng Cộng sản và các nhà hoạt động xã hội trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục.

1. Tư tưởng của V.I.Lênin về giáo dục và vai trò của người thầy giáo XHCN

- Về tính giai cấp của giáo dục

Cũng như tôn giáo, đạo đức, pháp quyền, trong xã hội giai cấp, giáo dục bao giờ cũng mang tính giai cấp, giáo dục luôn luôn là công cụ của giai cấp thống trị xã hội “giai cấp nào thống trị tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chiếm đoạt phương tiện sản xuất tinh thần” (1)

Trong cuộc đấu tranh giai cấp thì giai cấp nào nắm được quyền thống trị cũng sử dụng giáo dục, sử dụng nhà trường như là một phương tiện để duy trì và củng cố sự thống trị.

Tuy nhiên giai cấp tư sản thường che đậy tính giai cấp của giáo dục bằng luận điệu tuyên truyền bịp bợm về trường học và giáo dục đứng ngoài chính trị và phục vụ cho toàn xã hội. Lênin đã vạch ra tính chất xảo trá của luận điểm đó, Người cho rằng chỉ có thể xây dựng một nền giáo dục của giai cấp vô sản khi giai cấp đó giành được quyền thống trị xã hội, mang lại lợi ích cho đại đa số người lao động trong đó có việc tiếp cận với giáo dục tiến bộ.

- Về mục đích giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa

Lênin đã phân tích sâu sắc chức năng xã hội của nhà trường Xô Viết và nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo những người lao động phát triển toàn diện. Theo quan điểm của Lênin, con người toàn diện ấy không phải từ trên trời rơi xuống mà đó là sản phẩm của toàn bộ quá trình tác động xã hội, giáo dục của nhà trường, gia đình, đoàn thể và tự rèn luyện của thế hệ trẻ.

Nhà trường Xô Viết cần giáo dục đào tạo những thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị, có tình cảm đồng chí, có lòng yêu nước, có tri thức cần thiết, có tư duy sáng tạo, am hiểu thực tiễn và sẳn sàng tham gia có hiệu quả vào công cuộc lao động xây dựng CNXH và hoạt động chính trị xã hội nhằm giải phóng nhân dân lao động.

- Quan điểm về người thầy giáo XHCN

Lênin đặc biệt xem trọng vai trò của người thầy giáo trong quá trình giáo dục. Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh tất cả nhiệm vụ nặng nề của nhà trường Xô Viết chỉ có thể thực hiện tốt nếu có sự tham gia của đội ngũ thầy cô giáo. Người đánh giá cao vị trí xã hội, vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, cũng như trong cuộc cách mạng văn hóa, khoa học kĩ thuật.

Lênin luôn kêu gọi thầy cô giáo không nên chỉ hạn chế trong công tác nhà trường đơn thuần. Người khẳng định giáo viên “có nhiệm vụ truyền bá giáo dục to lớn, trước hết phải trở thành đội quân chủ yếu của sự nghiệp giáo dục XHCN, phải giải phóng cuộc sống, trí thức khỏi sự phụ thuộc giai cấp tư sản, khỏi sự đô hộ của giai cấp bóc lột. thầy giáo phải hòa mình vào cuộc đấu tranh của quần chúng; ngành sư phạm phải có trách nhiệm tổ chức hoạt động của giáo dục theo yêu cầu của xã hội XHCN.” (2)

Đối với nhà quản lý giáo dục, Lênin chỉ ra giá trị của việc coi trọng thầy giáo, chăm lo nâng cao chất lượng giáo viên để đạt được những hiệu quả cao trong công tác giáo dục. Lênin viết “cán bộ lãnh đạo, Đảng viên chỉ chứng minh được quyền lực, lãnh đạo của mình thông qua việc người đó có tìm thấy được cho mình nhiều, ngày càng nhiều những trợ thủ trong hàng ngũ những nhà sư phạm, và thông qua việc người đó có biết giúp đỡ các nhà giáo làm việc, biết động viên tổ chức họ, tổ chức tổng kết kinh nghiệm của họ hay không” (3).

3. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin nhằm phát huy hơn nữa vai trò của người thầy trong Trường chính trị tỉnh Hải Dương hiện nay

Từ quan điểm của V.I.Lênin về tính giai cấp, mục đích và nguyên tắc của giáo dục đòi hỏi trong nội dung chương trình giảng dạy lý luận chính trị cần mang lại những lý luận cách mạng, khoa học, giữ vững mục tiêu XHCN trong nội dung, phương pháp giáo dục tiến bộ, phù hợp với từng đối tượng học viên. Trường chính trị tỉnh Hải Dương luôn quán triệt nội dung chương trình đào tạo-bồi dưỡng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở. Khi triển khai giảng dạy, bài giảng luôn đảm bảo tính chính xác về nội dung lý luận, luôn đổi mới phương pháp nhằm vận dụng lý luận để phân tích những vấn đề thực tiễn, hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng cho học viên. Mỗi bài giảng đều lồng ghép vào đó tính chiến đấu của giai cấp công nhân, niềm tin và sự kiên định mục tiêu XHCN.

Về vai trò, kết quả thực hiện nhiệm vụ của người giáo viên giảng dạy lý luận, từ thực tiễn cho thấy vẫn còn không ít những bất cập. Đây không chỉ là hạn chế của giảng viên trường chính trị tỉnh Hải Dương mà cũng là hạn chế chung của giảng viên dạy lý luận chính trị cả nước. Kết luận số 117-KL/TW ngày 20-11-2015 của Ban Bí thư Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị cấp tỉnh cũng nêu: “Một bộ phận giảng viên trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ”. Do đó, đội ngũ những người thầy giảng dạy lý luận chính trị cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa, xứng đáng với sự kính trọng, tôn vinh của xã hội.

Vận dụng tư tưởng của Lênin về vai trò, trách nhiệm của người thầy giáo XHCN, chúng ta cần phải đặt ra một số yêu cầu đối với những người thầy giáo lý luận chính trị hiện nay là:

Thứ nhất, phải có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng

Trước hết phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Đảng; nhạy cảm và có khả năng phân tích khoa học đối với những hiện tượng, tình huống chính trị - xã hội mới nảy sinh. Phẩm chất và bản lĩnh chính trị là cái gốc cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Cùng với phẩm chất chính trị, người giảng viên còn phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với những nhiệm vụ mà nghề nghiệp đặt ra.

Thứ hai, có trình độ sâu sắc, nhuần nhuyễn tri thức về môn khoa học chuyên ngành mà mình giảng dạy

Kiến thức khoa học chuyên sâu là điều kiện cơ bản nhất để người giảng viên thực hiện thành công chức năng giáo dục của mình. Kiến thức này đòi hỏi hai mặt: Một mặt, phải có kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, về khoa học bổ trợ. Mặt khác, phải đạt trình độ nhuần nhuyễn về khoa học chuyên môn, đặc biệt là môn khoa học do người giảng viên đó đảm nhiệm. Về mặt này ở người giảng viên nhất thiết phải có trình độ cao hơn học viên. Không gì nguy hiểm hơn là giảng dạy sai, trái; nó còn tai hại hơn là không giảng dạy, bởi lẽ đối tượng giảng dạy của người giảng viên lý luận chính trị thường là những cán bộ đương chức hoặc dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở trở lên. Chính vì vậy, giảng dạy sai có thể ảnh hưởng cho thế hệ hôm nay, thậm chí là cả thế hệ mai sau và làm giảm đi uy tín của người thầy trong nhà trường.

Thứ ba, phải là một nhà nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao trình độ khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với mỗi người giảng viên lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên. Ngoài thời gian lên lớp, người giảng viên phải nghiên cứu về các vấn đề thực tiễn xảy ra trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Từ đó, đưa ra những kiến nghị mới để giải quyết mọi vấn đề, lấy kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học đưa vào bài giảng của mình, làm bài giảng thêm phong phú sinh động.

Thứ tư, phải có kỹ năng sư phạm

Kiến thức lý luận chính trị luôn mang tính tổng hợp, khái quát và trừu tượng, không thể dễ dàng công thức hóa như các ngành khoa học tự nhiên. Bởi vậy, nếu người giảng viên, trong quá trình dạy học, chọn giải pháp “an toàn”, truyền đạt “giống hệt sách”, “bác học hóa” những chân lý vốn rất giản dị thì người học sẽ cảm thấy căng thẳng, không hứng thú, hiệu quả tuyên truyền sẽ bị hạn chế. Chính vì thế, năng lực sư phạm của giảng viên trở thành yêu cầu đặc biệt quan trọng.

Thứ năm, giảng viên phải luôn gắn lý luận với thực tiễn

Người giảng viên chính trị phải là người dồi dào kiến thức và năng lực thực tiễn hơn ai hết. Đòi hỏi này cao hơn mọi môi trường đào tạo khác. Đối tượng học viên của hệ thống đào tạo lý luận chính trị là những cán bộ, đảng viên đã trải qua công tác thực tiễn, giàu vốn sống và kinh nghiệm, thậm chí ở những lĩnh vực cụ thể còn có sự hiểu biết chuyên sâu hơn cả thầy dạy. Do đó, trong mỗi môn học, trong từng bài giảng phải thể hiện tính thực tiễn xã hội sinh động.

Thứ sáu, phải xây dựng niềm tin của học viên đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Trong hoạt động giáo dục, tuyên truyền, một trong những nhân tố chủ yếu nhất là làm cho nhận thức biến thành niềm tin. Điều đó có nghĩa là làm cho mọi người đồng ý với một quan điểm nhất định và bảo vệ quan điểm đó, đồng thời có hành động đúng, thích hợp với quan điểm đó. Đề làm được điều đó, giảng viên phải làm cho học viên thấy được cơ sở khoa học của các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình phân tích các phạm trù, quy luật... người giảng dạy phải liên hệ với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan.

Ths. Phạm Thị Phương Thanh, khoa LLCS
Chú thích

1. V.I. Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.31, tr.341

2. V.I. Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.31, tr.350

3. V.I. Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.31, tr.363